Nuôi chó, mèo tại chung cư: Không cấm nhưng cần quy định rõ ràng
Những ngày qua mạng xã hội xôn xao chuyện người phụ nữ nuôi 19 con chó bị đuổi khỏi một căn hộ chung cư ở quận 7 (TP.HCM).
Thêm vào đó câu chuyện cho hay không cho nuôi chó, mèo tại chung cư vẫn luôn được tranh cãi, trở thành cuộc chiến giữa người nuôi và những người bị ảnh hưởng.
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý, đại diện ban quản lý một số chung cư, người dân trực tiếp nuôi chó, mèo… để đưa ra cái nhìn thực tế cũng như có giải pháp giải quyết “đại chiến” ngầm tại các chung cư.
Ông NGUYỄN HỮU THIẾT (phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM):
Xử lý chủ nuôi chó, mèo vi phạm qua camera
Các quy định về nuôi chó, mèo, thú cảnh đã được nhắc đến trong Luật Thú y, Luật Chăn nuôi.
Tuy nhiên các quy định vẫn còn mang tính chung chung, nhất là quy định về nuôi chó, mèo ở chung cư, dẫn đến các cơ quan khó có cơ sở để xử lý khi có vi phạm.
Do đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM xin chủ trương ban hành quy định tạm thời trong khi chờ thông tư hướng dẫn các luật.
Dự thảo quy định đưa ra các nhóm chế tài, chế định về quy định mật độ nuôi, mức độ nuôi. Số lượng nuôi nhỏ là dưới 10 con chó, nuôi vừa là từ 10 – 50 con, nuôi lớn là từ 50 con chó trở lên.
Từng mức độ sẽ gắn với trách nhiệm của chủ nuôi, quy định về chuồng trại. Trong đó hộ dân nuôi với số lượng lớn cần đảm bảo các vấn đề về vệ sinh môi trường, thú y và người có chuyên môn để theo dõi, chăm sóc vật nuôi.
Dự thảo cũng quy định khung giờ không được gây ồn bởi hoạt động nuôi chó, mèo, nếu để người dân địa phương khiếu nại, thú cưng phải di dời tới chỗ khác.
Nhóm thú cảnh, thú nhập ngoại, có trọng lượng lớn sẽ hạn chế nuôi và được đưa vào nhóm thú dữ, ví dụ như giống pitbull, các loại chó săn. Hộ nuôi các loại chó này cần có biển cảnh báo thú dữ để người dân nhận biết.
Cùng với đó quy định trách nhiệm của chủ khi dắt chó đi dạo nơi công cộng. Ngoài việc xích, rọ mõm thì người nuôi chó, mèo phải dọn chất thải của chúng. Khi những nội dung này được thực hiện, việc xử lý chủ chó, mèo vi phạm có thể căn cứ trên hình ảnh camera tại nơi công cộng.
Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐẢNG (chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội):
Không cấm nhưng phải đúng quy định
Theo thống kê, hiện nay ở Hà Nội có trên 425.000 chó, mèo được nuôi. Trong đó tại 12 quận nội thành, theo thống kê có trên 50.000 chó, mèo.
Với số lượng chó, mèo được nuôi ở chung cư, chúng tôi đang tiến hành thống kê và dự kiến cuối tháng 4 này sẽ có số liệu cụ thể.
Hiện nay do quá trình phát triển ở các chung cư, không ít người dân có sở thích nuôi các loại chó cảnh, mèo cảnh trong căn hộ.
Chó, mèo được hiểu là các loại thú cảnh nên hiện nay trong quy định không cấm nuôi ở chung cư hay các khu vực nội thành, nội thị.
Quy định chỉ cấm chăn nuôi các loại như gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà… trong nội thành, nội thị.
Tuy nhiên người nuôi chó, mèo phải chấp hành quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y như phải tiến hành kê khai, tiêm phòng, xích nhốt, khi ra đường phải có dây dắt, người dẫn, rọ mõm…
Nếu không chấp hành đúng có thể bị xử phạt hành chính. Thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để chó, mèo cắn người, gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời phải tuân theo các quy định của ban quản trị, ban quản lý tòa nhà nơi mình sinh sống đưa ra để đảm bảo an toàn, vệ sinh chung.
Nhiều người cho rằng việc nuôi chó, mèo là ở trong căn hộ, không thả nhưng khi đi ra ngoài thường ôm ấp theo. Nhiều người cũng chủ quan cho hay chó, mèo nhà mình tiêm phòng rồi, hiền lành nhưng khi đưa ra ngoài lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Do vậy chính mỗi người nuôi chó, mèo ở chung cư phải tự ý thức được trách nhiệm của mình, thực hiện đúng quy định.
Ngoài ra ban quản trị, ban quản lý các chung cư, chính quyền địa phương cần thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm có thể tùy mức độ để xử lý.
Hiện nay, tại các phường và nhiều xã của Hà Nội đã thành lập đội xung kích bắt chó, mèo thả rông. Do vậy người dân khi phát hiện có hành vi vi phạm có thể thông báo để đội xuống bắt chó, mèo thả rông về gọi chủ lên nộp phạt, nếu không sẽ bị tịch thu.
Khi các xã, phường cùng vào cuộc làm nghiêm thì chắc chắn sẽ không có chó, mèo thả rông hay vi phạm.
TS – luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG (Đoàn luật sư Hà Nội):
Không nên cho nuôi chó to, hung dữ ở chung cư
Theo quy định tại nghị định 99/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 thì việc chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Tuy nhiên pháp luật Việt Nam hiện nay lại không quy định chó, mèo là gia súc, gia cầm nên không thuộc diện cấm theo quy định pháp luật này.
Bên cạnh đó pháp luật hiện quy định chó, mèo là “động vật khác” trong danh mục liệt kê các vật nuôi của con người và danh mục các loại động vật nguy cấp, quý hiếm.
Do đó việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định nêu trên.
Hiện nay nghị định 144/2021 của Chính phủ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt 300.000 – 500.000 đồng với hành vi thả rông vật nuôi trong khu đô thị. Hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng có thể bị xử phạt 1 – 2 triệu đồng.
Việc nuôi chó ở nhà chung cư có thể gây ra tiếng ồn và mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của những người xung quanh.
Song do pháp luật hiện nay chưa có quy định chính thức và việc xử lý hành vi vi phạm cần bằng chứng thông qua hình ảnh hoặc video, nhưng tâm lý “ngại va chạm” dẫn đến nhiều người sẵn sàng bỏ qua, không báo cáo. Bởi vậy, các cơ quan chức năng nên xem xét để có những quy định thống nhất trong quản lý việc nuôi chó, mèo ở khu chung cư.
Còn trước mắt tại mỗi nhà chung cư thì các chủ sở hữu, người sử dụng phải tuân thủ các quy định trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được hội nghị nhà chung cư thông qua để bảo đảm việc sử dụng nhà chung cư an toàn, văn minh.
Trường hợp nội quy không cho phép nuôi chó, mèo thì người dân không được nuôi. Còn trường hợp cho phép nuôi nhưng phải đảm bảo các điều kiện về nuôi nhốt, xích, rọ mõm… người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành.
Bên cạnh đó trong thời gian tới nếu ban hành các văn bản chung về quản lý nuôi chó, mèo ở các khu chung cư cần xem xét không để cho người dân nuôi các giống chó to, hung dữ như pitbull, berger… tại chung cư để đảm bảo an toàn.
Ông NGUYỄN TRUNG TÍN (ban quản lý chung cư Bình Minh, TP Thủ Đức):
Mong sớm có quy định chung
Việc nuôi chó, mèo, thú cưng ở chung cư vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trong khi đây lại là loài được người dân nuôi nhiều hơn ở các đô thị.
Tại TP.HCM hầu hết các chung cư đều không cấm việc nuôi thú cưng hoặc có quy định không cho phép nhưng vẫn không thể kiểm soát hết được quyền cá nhân của cư dân.
Như chung cư Bình Minh khi tổ chức hội nghị nhà chung cư thì ban quản trị và cư dân đã thống nhất không cho phép nuôi chó, mèo nhưng trong quá trình kiểm tra vẫn phát hiện có một số hộ nuôi. Khi đó, không thể dựa vào luật nào hay quy định nào để chế tài mà chỉ có thể nhắc nhở riêng từng hộ giữ vệ sinh chung.
Rất may hầu hết các hộ dân đó đều ý thức rất tốt, không làm ảnh hưởng chất lượng sống chung của tập thể. Đó là đối với các chung cư hiện đại, có sự quản lý của ban quản lý và ban quản trị nhưng cũng có những chung cư thời trước hoặc một số chung cư chưa thống nhất được việc bầu ban quản trị nên việc quản lý nuôi thú cưng còn rất lỏng lẻo.
Quy định về việc đăng ký chó, mèo khi nuôi với cơ quan chức năng địa phương là một giải pháp hiệu quả khi chưa có luật cụ thể.
Việc này vừa giúp những hộ dân đang nuôi thú cưng ảnh hưởng môi trường sống xung quanh có thể nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, vừa giúp những hộ dân đã có ý thức tốt giờ đây có thể theo dõi thú cưng chặt chẽ hơn về vấn đề sức khỏe, tiêm chủng.
Khi người dân chọn sống trong các căn chung cư thay vì nhà đất phần lớn đều mong muốn có không gian riêng, chất lượng môi trường sống tốt, ít bị tác động bởi ngoại cảnh.
Việc cấm hay không cấm nuôi thú cưng là bài toán khó nên nếu có quy định chung từ Nhà nước phần nào giúp các đơn vị quản lý, quản trị chung cư dễ dàng hơn trong thực thi kiểm soát “thuận tình, thuận lý”.
Chị TUYẾT TRINH (đang sinh sống tại chung cư 47 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội):
Cần làm tốt việc quản lý
Tôi đang nuôi một chú chó cảnh hơn 1kg trong căn hộ và thường bị vấp phải phản ứng của người xung quanh về việc cho chó đi cùng trong thang máy.
Tuy nhiên tôi cho rằng hiện nay cư dân Hà Nội ở chung cư rất đông và số lượng người có sở thích nuôi chó, mèo trong căn hộ như tôi cũng không hề ít.
Do vậy không nên nghĩ đến việc không quản được thì cấm hay đưa ra các quy định quá khắt khe với người nuôi. Tôi thấy ở đây chỉ cần làm tốt việc yêu cầu chủ nuôi phải đăng ký với địa phương, ban quản lý chung cư và quản lý tốt việc nuôi chó, mèo là được.
Đồng thời, thực hiện đúng việc tiêm phòng đầy đủ, khi đưa ra ngoài phải rọ mõm, có dây xích, người dẫn, vệ sinh đúng nơi quy định…
Thêm vào đó khi nuôi nhốt trong căn hộ phải có khu riêng, không gây ồn, vệ sinh sạch sẽ là được. Thực tế nhà tôi làm tốt việc này và khi cho ra ngoài cũng cho chó vào túi để đeo trước người, tránh làm ảnh hưởng đến người xung quanh…
Chị LÊ THỊ DIỄM LINH (sinh sống ở chung cư Eco Green, quận 7, TP.HCM):
Nên đăng ký, gắn chip theo dõi
Vấn đề cư dân ở chung cư chúng tôi quan tâm hơn hết hiện nay là chó, mèo có được coi là gia súc hay không? Thực tế, trong Luật Nhà ở mới cũng chưa thấy có quy định rõ ràng.
Nếu không quy định trong luật thì người dân có được hiểu là không cấm nuôi ở chung cư hay không?
Và nếu không cấm nuôi chó, mèo, thú cưng thì cần thiết có những văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về việc nuôi chó, mèo.
Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở chung cư theo nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014 đã hướng dẫn cụ thể đó là hành vi bị cấm.
Còn chó, mèo thì không có, trong khi đó ở các khu chung cư hiện nay có không ít người dân có sở thích nuôi các loại thú cưng là chó, mèo.
Gần đây TP.HCM đã đưa các đề xuất việc nuôi chó, mèo phải đăng ký, gắn chip theo dõi tình trạng sức khỏe, tiêm chủng… là một giải pháp đúng đắn.
Một đô thị lớn như TP.HCM chất lượng sống và nếp sống văn minh là yếu tố quan trọng. Việc có quy định rõ ràng khi nuôi thú cưng vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, môi trường sống cho người dân vừa tạo ra nếp sống văn minh, đặc biệt trong các khu chung cư hiện đại.