Những người tìm thú vui từ loài chim bị coi là xui xẻo
Nuôi cú mèo trong nhà hơn một năm, chị Nguyễn Thị An (43 tuổi, Cần Thơ) kể, “có lần bạn chị bẫy được con chuột nhỏ mang vào cho cú ăn. Không ngờ nó né rồi quay lưng bỏ chạy vì sợ. Nhìn mặt nó lúc đó hoảng đến tội mà không nhịn được cười”. Theo chị, những chú cú bề ngoài có vẻ uy dũng, nhưng cũng có lúc ngờ nghệch, đáng yêu.
Hôm mùng một Tết, khách đến nhà chơi nhưng nghe thấy tiếng cú mèo nên không dám vào, chị An phải ẵm cú ra vườn. Thế nhưng, sau một hồi nghe chị kể chuyện, khách cũng tò mò ra xem. Nhìn chị An gọi cú bay đến đậu trên tay, khách trầm trồ và khen chúng đáng yêu không khác gì chó, mèo…
Người chơi chỉ cần một tháng kiên nhẫn thuần hóa, cú sẽ ngoan và không bay mất, dù chúng là loài có bản tính hoang dã cao. Ảnh: Tạ Vũ Hoàng An.
Mê truyện Harry Potter, Nguyễn Minh Hằng (14 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chú ý đến loài cú mèo với đôi mắt to tròn và thân hình oai vệ. Cô bé xin phép nuôi một con. Nuôi chưa được 3 ngày, bố mẹ Hằng lại yêu cầu thả đi vì cho rằng chúng là loài không có tình nghĩa. Mẹ cho Hằng một tuần để luyện sao cho khi thả xích ra cú vẫn không bay mất thì cô sẽ được nuôi.
Một tuần là khoảng thời gian rất ngắn, khó có thể thành công, vì cú là loài bản tính hoang dã cao. Vậy là mỗi lúc rảnh hay cho ăn, Hằng vuốt ve, nói chuyện với cú thật nhiều để nó quen giọng mình. Tối trước hạn của mẹ, Hằng cho con vật đứng trên vai mình và đi khắp nhà. Chiều hôm sau, bố mẹ đưa cô ra vườn Cúc Phương để thả cú.
“Giây phút tháo dây ra làm em phải nín thở. Cuối cùng khi đem thả thì nó vẫn đứng im trên tay. Đến lúc cho nó lên cây, bố mẹ với em đi dạo 10 phút, nó vẫn đứng chờ, lúc ấy em xúc động cực kỳ”, Hằng hào hứng kể. Sau một thời gian, mọi người trong nhà Hằng bắt đầu đến gần cho chúng ăn, thậm chí trò chuyện với nó như một đứa trẻ.
Sau 3 tháng nuôi, Hằng không phải buộc chân cú nữa. Cú đã tự chơi một mình, không kêu gào đòi ăn như lúc còn nhỏ, cũng không cắn phá đồ đạc trong nhà. Thấy cô chủ về, chú ta lủi vào chân chủ, chờ bữa ăn đêm.
Hiện tại trên mạng xã hội đã có nhiều cộng đồng nuôi cú mèo, người chơi ở Việt Nam có thể dễ dàng mua một chú, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến 5 triệu đồng. Cú dễ sống ở miền Nam vì khí hậu ôn hòa hơn, ít mắc bệnh.
Một chú cú mèo thuộc dòng Strix Seloputo của Linh, phân bố dọc từ Indonesia đến vùng Mekong, nhưng gần như không có ở Việt Nam. Ảnh: Trọng Nghĩa.
“Một lần đi chơi mình gặp một nhóm người bắt được cú mèo, đánh đập, hành hạ chúng vì lý do xui xẻo, mình thấy thương và đã mua về thả. Muốn mọi người có một góc nhìn khác về loài cú, mình đã tìm mua hàng chục con và nuôi chúng như thú cưng”, Đinh Điêu Linh (22 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội), người sở hữu nhiều cú mèo hiếm, chia sẻ.
Chiều muộn, cậu sinh viên dành một tiếng cho chúng đi chơi. Trong công viên, thú cưng của người ta chạy tung tăng, còn cú mèo của Linh thì bay lạch phạch theo chủ.
Trước đó, để cú nghe lời, có hôm Linh để thức ăn trên mu bàn tay, hôm để trên khung cây nơi cú hay đậu. Chỉ trong 3 tuần, cú đã nhớ lệnh của chủ như “bay về” hoặc “bay đi”.
Buổi tối, nó chạy loăng quăng trong phòng, người lạ tới chơi, nó gù gù đe dọa, thậm chí mổ, nên cậu chủ thường xuyên phải dũa bớt phần mỏ của cú. “Đanh đá” là thế, nhưng chỉ cần lần thứ hai, thứ ba gặp lại, cú đã biết ai là người quen.
Thông thường, người huấn luyện cú non phải đeo bao tay để tránh trường hợp móng vuốt làm tổn thương da. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Nguyễn Đức Tùng (19 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), chuyên chơi dòng cú cá (cú chỉ ăn cá) kể, cậu thường mua cú đến mùa sinh sản rồi thả đi. Cũng như những người chơi khác, cứ mỗi 2 tuần, Tùng lại tắm cho cú một lần vào lúc ngủ, là khi cú hiền nhất.
Đêm đến, khi Tùng đang say giấc nồng, thì chú cú túc trực ở đầu giường với đôi mắt sáng trưng, như anh bảo vệ mẫn cán. Gian phòng trọ 20 m2 của Tùng trở nên yên tĩnh vì vắng hẳn chuột bọ. Tiếng cú mèo đối với cậu như một bản nhạc không lời đích thực.
Trọng Nghĩa