CHĂM SÓC VÀ DUY TRÌ SỰ SỐNG CHO MÈO CON MẤT MẸ DƯỚI 3 TUẦN TUỔI
Mèo sơ sinh rất cần sữa và sự chăm sóc của mèo mẹ mới có thể sống khỏe mạnh. Đáng buồn thay, việc mèo con sơ sinh bị mất mẹ khi còn quá nhỏ là việc không hề hiếm. Trong trường hợp này, cần có bàn tay chăm sóc và can thiệp của con người mới có thể duy trì sự sống cho các bé.
Chăm sóc mèo con sơ sinh là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Nhưng chính nhờ những công sức bạn bỏ ra mà tỉ lệ sống sót của bé mèo có thể được nâng lên đến 70-80%. Để hỗ trợ bạn, trong bài viêt hôm nay, Pet Choy xin đưa ra một danh sách những việc cần làm và cần lưu ý trong khi chăm sóc mèo con sơ sinh dưới 3 tuần tuổi.
Tạo Môi Trường Sống Thích Hợp Cho Mèo Con
1. Ẵm và bế mèo con đúng cách.
Mèo con mới sinh có thể trạng rất mỏng manh. Vậy nên điều đầu tiên bạn cần tìm hiểu chính là cách ẵm và bế mèo con cho đúng, như vậy có thể tránh làm đau hoặc làm các bé bị thương:- Hãy luôn nhẹ tay và cẩn thận khi ẵm mèo.- Bảo đảm cơ thể mèo luôn được giữ ấm. Bạn có thể kiểm tra liệu mèo có đang bị lạnh hay không qua việc cảm nhận nhiệt độ ở phần đệm thịt dưới bàn chân của bé. Mèo có thể bắt đầu kêu khi bị lạnh.- Ghi nhớ rửa tay trước và sau khi ẵm mèo con, vì ở độ tuổi này các bé thường rất dễ mắc bệnh nhiễm trùng từ những loại vi khuẩn trên da người.- Tương tự với vi khuẩn trên da tay người, bạn cũng cần tách rời các con vật nuôi khác với các bé mèo con sơ sinh. Không để chúng ăn chung, dùng chung bát nước hoặc đi vệ sinh chung một chỗ.
2. Giữ ấm cho mèo con.
Mèo sơ sinh (dưới 2 tuần tuổi) không có khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, các bé thường nhận hơi ấm từ cơ thể mèo mẹ truyền qua. Trong trường hợp mèo mẹ đi mất và các bé bị mất đi nguồn nhiệt, bạn có thể ứng biến bằng cách sử dụng chai nước nóng được bọc kín bằng khăn. Sau đó liên tục kiểm tra và duy trì nhiệt độ ở mức khoảng 37 độ C.
3. Làm ổ cho mèo con.
Ổ của mèo con cần được đặt ở nơi yên tĩnh, ấm áp, biệt lập và tránh xa các vật nuôi khác. Vật liệu sử dụng có thể là hộp carton hoặc chuồng sắt. Bên trong hộp hoặc chuồng cần được lót nhiều lớp khăn để giữ ấm cho các bé mèo.Một điều tối quan trọng là hộp carton hoặc chuồng bạn sử dụng phải có nhiều lỗ hổng, thoáng khí để mèo con có thể thở. Tuyệt đối không nên che đậy hộp, sẽ làm mèo ngộp thở.
Lựa Chọn Sữa Và Thức Ăn Cho Mèo Con
1. Mua bột sữa mèo thay thế.
Mèo không thể uống được sữa tươi, sữa đặc dành cho người. Vì vậy bạn nhất định phải đến các tiệm thú y và mua và loại sữa bột dành riêng cho mèo con. Một nhãn hiệu sữa bột dành cho mèo thường bán là Cimicat. Đây là loại sữa dành riêng cho mèo sơ sinh, có công thức thành phần tương tự như sữa mèo mẹ.Trong trường hợp chưa tìm được sữa bột thay thế, bạn có thể cho mèo uống tạm nước sôi để nguội nhằm giữ nước cho các bé và không gây khó chịu dạ dày. Cho bé uống nước qua ống nhỏ giọt hoặc ống tiêm.
2. Chuẩn bị cho mèo con bú sữa.
Để cho mèo con bú sữa bột thay thế, tốt nhất bạn cần làm theo 4 bước bên dưới đây:– Bước 1: Tiệt trùng bình sữa và núm vú bằng nước sôi, đặt lên khăn sạch và chờ nguội.– Bước 2: Trong khi chờ bình sữa và núm vú nguội, trộn công thức sữa bột thật đều tay để sữa tan thật đều và không còn bột cặn.– Bước 3: Làm ấm sữa đến khoảng 35-37 độ C trước khi cho mèo con bú.– Bước 4: Cho sữa vào bình và kiểm tra lần cuối bằng cách nhỏ vài giọt vào cổ tay để chắc chắn nhiệt độ sữa không quá nóng.
Một vài lưu ý khi cho mèo con bú sữa:- Luôn giữ ấm mèo con trước khi cho chúng ăn.- Nếu nhiệt độ cơ thể mèo dưới 35 độ C, không nên cho bé ăn vào lúc này vì có thể gây viêm phổi làm mèo khó thở và thậm chí gây tử vong.
3. Tư thế cho mèo con bú sữa
Tư thế cho mèo bú khác hoàn toàn với tư thế cho em bé sơ sinh bú (không phải tư thế ẵm ngữa). Khi cho mèo sơ sinh bú, bạn cần đặt bé ở tư thế tương tự khi các bé bú sữa trực tiếp từ vú mẹ – tư thế nằm sấp, chân khụy xuống và đầu giữ thẳng. Cố định đầu của mèo bằng cách nắm nhẹ phần gáy, chèn núm vú vào bên khóe miệng của mèo rồi từ từ đẩy ra chính giữa miệng. Khi đó mèo con sẽ tự điều chỉnh núm vú sao cho thoải mái. Bạn nên để mèo tự mút sữa trong bình. Không nên xịt hoặc đút vào miệng chúng.Sau khi mèo con ăn xong, bạn cần kích thước cho mèo ợ hơi. Ở bước này, bạn có thể làm giống với khi kích thích ở hơi ở em bé – ẵm mèo con trên ngực, đùi, hoặc vai và nhẹ nhàng chà lưng, vỗ lưng các bé bằng 2 ngón tay.
4. Cho mèo con ăn thường xuyên.
Khi đói, mèo sơ sinh sẽ thể hiện bằng cách kêu gào và ngọ nguậy tìm vú để bú sữa. Trong 2 tuần đầu tiên khi mèo còn nhỏ, hãy cho các bé uống sữa thường xuyên (2 – 3 giờ 1 lần). Cách để xác định mèo no hay chưa là quan sát bụng của bé, nếu có bụng tròn và thường xuyên ngủ gật trong lúc bú thì chứng tỏ bé đã no bụng.Trong trường hợp bé mèo bị mất mẹ đã bị đói quá lâu và cần tiếp sữa gấp, nếu không tìm được bình sữa, hãy sử dụng chai thuốc nhỏ (đã rửa thật kĩ) hoặc ống tiêm để nhỏ từng giọt sữa vào miệng mèo con.Từ tuần thứ 3 trở đi, mèo vẫn cần bú sữa bột thay thế. Nhưng lúc này thời gian giãn cách cho từng lần bú sẽ xa nhau hơn, 3-4 tiếng vào ban ngày và 6 tiếng vào ban đêm.
Vệ Sinh Và Chăm Sóc Mèo Con Toàn Diện
1. Giúp mèo con đi vệ sinh.
Mèo con sơ sinh thường không thể tự đi vệ sinh, mà cần được mèo mẹ kích thích. Để làm được điều này, mèo mẹ thường liếm bộ phận sinh dục của mèo con sau mỗi lần bú để các bé có thể đi tiểu hoặc đại tiện. Vì thiếu đi mèo mẹ, bạn cũng cần hỗ trợ các bé ở khoản đi vệ sinh này và duy trì cho đến khi các bé được 6-7 tuần tuổi. Cách làm cụ thể như sau:- Đặt mèo con lên tấm chăn sạch và lật chúng nằm nghiêng.- Sử dụng miếng bông ẩm để chà xát bộ phận sinh dục theo một hướng, không chà xát ra sau và trước vì có thể gây ma sát.- Khi đã chà xát đúng và đủ, bạn sẽ thấy mèo con bắt đầu đi tiểu hoặc đại tiện. Tiếp tục cọ xát cho đến khi chúng ngừng đi vệ sinh.
Một vài lưu ý về cách nhận biết phân và nước tiểu của mèo con:Nước tiểu mèo con sơ sinh thường có màu vàng nhạt, không mùi. Phân mèo sơ sinh sẽ thường có màu vàng nâu. Bạn cần đưa mèo đi gặp bác sĩ thú y ngay nếu phát hiện nước tiểu và phân của các bé có mùi nồng hoặc màu lạ (như màu trắng, mà xanh lá cây)
2. Lau sạch mèo con để giữ vệ sinh cơ thể
Sau khi các bé mèo đã no bụng và đã được hỗ trợ đi vệ sinh, hãy vệ sinh sạch sẽ mèo con bằng một miếng vải. Miếng vải vệ sinh cần có độ ẩm và đã được nhúng qua nước ấm. Lau nhẹ phần lông mèo với miếng vải này, sau đó lau khô hoàn toàn bằng khăn giấy hoặc một chiếc khăn khô, cuối cùng là đặt bé mèo vào ổ.Trong khi lau, nếu phát hiện phân khô dính trên lông của mèo, hãy nhúng phần lông đó vào nước ấm. Nước ấm sẽ làm phân mềm ra, lúc này bạn chỉ cần lấy giấy hoặc vải lau nhẹ là lông của bé mèo sẽ sạch trở lại.
3. Kiểm tra cân nặng của mèo con.
Cân nặng là một trong những cách để biết được liệu bạn đang chăm mèo con đúng cách, và liệu bé có vấn đề nào về dinh dưỡng hoặc sức khỏe.Thông thường, mèo con sẽ tăng cân đều đặn trong vài tháng đầu tiên. Để đo chính xác, hãy kiểm tra cân nặng của mèo mỗi ngày, vào đúng một giờ giống nhau, sau đó ghi lại các số liệu.Nếu được chăm sóc đầy đủ và đúng cách, trọng lượng của mèo con sẽ tăng gấp đôi một tuần sau khi sinh. Sau tuần đầu tiên, mèo con cần tăng 15gram mỗi ngày để có thể có sức khỏe và phát triển toàn diện.Nếu bé mèo mất mẹ mà bạn đang chăm sóc không có biểu hiện tăng cân, hoặc thậm chí sút cân, hãy đem mèo đi gặp bác sĩ thú y ngay lập tức để được hỗ trợ kịp thời.
4. Nhận biết thời điểm đưa mèo con đi khám bác sĩ thú y.
Ngoài những vấn đề bên trên, bạn cũng nên quan sát các bé và tìm sự trợ giúp từ đơn vị có chuyên môn ngay khi bé có một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây:- Thân nhiệt cao hoặc thấp bất thường (trên 39 độ C hoặc dưới 37 độ C)- Biếng ăn và bỏ ăn. Đặc biệt, mèo sẽ cần chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bỏ ăn 01 ngày.- Nôn mửa và tiêu chảy. Bé mèo sẽ cần được cấp cứu ngay lập tức nếu một trong hai dấu hiệu này kéo dài.- Sụt cân, thiếu năng lượng.- Ho, hắt hơi, mắt và mũi tiết dịch- Chảy máu ở bất kì bộ phận nào trên cơ thể, khó thở (Cần chăm sóc y tế ngay lập tức)
Từ bài viết chi tiết này, Pet Choy mong rằng bạn sẽ không còn ngần ngại trong việc cứu giúp và chăm sóc những bé mèo sơ sinh bị mất mẹ nữa. Tuy không tuyệt vời như khi có mèo mẹ, chúng mình vẫn chắc chắn rằng thành quả chăm sóc của bạn sẽ góp phần lớn để các bé có thể tiếp tục sống và phát triển khỏe mạnh!